30/08/2023

iPhone 15 chính thức ra mắt vào ngày 12/9

Như thường lệ, Apple sẽ gửi thư mời tham dự sự kiện ra mắt sản phẩm mới tới các đơn vị truyền thông báo chí khắp thế giới, và năm nay tiếp tục có sự góp mặt của các đại diện tới từ Việt Nam.


Sau nhiều thông tin rò rỉ, Apple mới đây đã chính thức gửi thư mời thông báo sự kiện ra mắt bộ bốn mẫu iPhone 15 mới vào ngày 12/9 tới đây. Với tên gọi "Wonderlust", chơi chữ của từ "wanderlust" mang ý nghĩa "thích phiêu lưu", có lẽ Apple muốn mang tới cho người dùng một sản phẩm đầy tính bất ngờ.


Về 4 mẫu iPhone 15 sắp ra mắt, như thường lệ 4 model này sẽ có tên lần lượt là iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max. Ở thế hệ lần này, các thông tin rò rỉ cho biết Apple sẽ chuyển hẳn qua sử dụng cổng USB-C thay thế cho cổng Lightning đã hơn 10 năm tuổi do áp lực Liên minh Châu Âu.

Lợi ích của USB-C cũng đã quá rõ ràng, người dùng sẽ chỉ cần mang một sợi cáp duy nhất cho tất cả các thiết bị (iPhone, iPad, MacBook...) cũng như USB-C sẽ hỗ trợ công nghệ sạc nhanh hơn, Có thông tin cho rằng iPhone mới sẽ hỗ trợ sạc nhanh với công suất tối đa 35W.


Mô hình iPhone 15 series cho người dùng cái nhìn đầu tiên về cổng sạc USB-C xuất hiện trên iPhone

Bên cạnh đó, camera cũng là nâng cấp đáng chú ý ở dòng Pro năm nay khi Apple được cho là sẽ trang bị camera tele tiềm vọng 5X (hoặc 6X) lần đầu tiên trên iPhone 15 Pro Max (chỉ phiên bảnPro Max mới có). "Ông đồng" Ming-Chi Kuo, người có những dự đoán chính xác về các sản phẩm của Apple cho biết camera tele tiềm vọng sẽ được mở rộng cho cả 2 model iPhone 16 Pro và Pro Max ở thế hệ năm sau, còn năm nay sẽ chỉ có iPhone 15 Pro Max trang bị nâng cấp này.

Một nâng cấp khác về ngoại hình của dòng Pro có thể kể tới là khung viền titan được thay thế cho khung viền thép không gỉ, cho độ bền cao hơn. Ngoài ra, Apple có thể bỏ cần gạt trạng thái, chuyển qua sử dụng một nút bấm gọi là "Action Button", có thể lập trình được theo ý muốn của người dùng. Cả 4 model iPhone năm nay đều sẽ trang bị màn hình "Dynamic Island".

Ngoài bộ 4 iPhone 15 series, sự kiện Wanderlust sẽ có sự xuất hiện của cả Apple Watch Series 9 và Apple Watch Ultra 2.

    Nguồn: Sưu tầm.


01/08/2022

Zalo giới hạn tính năng của người dùng miễn phí kể từ ngày 01/8/2022!

Từ ngày 1/8, người dùng Zalo không trả phí sẽ bị giới hạn tối đa 1.000 bạn bè, chỉ có thể trả lời tin nhắn từ 40 người lạ mỗi tháng.





Chính sách mới được Zalo công bố từ cuối tháng 6 và bắt đầu áp dụng từ hôm nay. Theo thông tin trên website của nền tảng này, có sáu thay đổi chính được áp dụng với "tài khoản mặc định" của người dùng.

Cụ thể, người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký; mỗi tài khoản có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại và được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng; danh bạ có tối đa 1.000 liên hệ; tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username; và mỗi tài khoản được mặc định có năm mẫu tin nhắn nhanh.

Trước đây, danh sách bạn bè của người dùng Zalo có thể đạt 2.000-3.000, trong khi việc được tìm kiếm qua số điện thoại hay trả lời tin nhắn người lạ không gặp hạn chế nào. Trong khi đó, với chính sách mới, người dùng không thể thêm bạn mới nếu vượt 1.000 liên hệ và cũng không thể trả lời tin nhắn từ người lạ nếu vượt quá mốc 40.

Nếu muốn mở rộng, người dùng chỉ có lựa chọn trả tiền. Mới đây, nền tảng này cung cấp ba gói tài khoản trả phí. Với gói Standard 2.800 đồng/ngày, tức 84 nghìn đồng/tháng, người dùng được cung cấp 60 lượt trả lời tin nhắn người lạ mỗi tháng và 1.500 liên hệ trong danh bạ. Nếu chấp nhận bỏ ra 55.000 đồng mỗi ngày, hay 1,65 triệu đồng mỗi tháng cho gói Elite, các giới hạn này được nâng lên 2.000 lượt và 5.000 liên hệ. Theo thông báo trên website, hai gói trên hiện chưa ra mắt. Lựa chọn duy nhất hiện tại là gói Pro với 5.500 đồng/ngày cho 120 lượt phản hồi chat với người lạ mỗi tháng và 3.000 người trong danh bạ.

Trong thông báo chính sách mới, Zalo khẳng định các giới hạn với tài khoản mặc định nhằm "giúp người dùng quản lý quyền riêng tư tốt hơn". Tuy nhiên, nhiều người cho biết đây có thể là cách để nền tảng hướng người dùng sang các thuê bao trả phí.

"Vì khách hàng không kết bạn được, nên chúng tôi và khách đều gặp khó khăn khi cần hỗ trợ. Ngoài ra, khách hàng mới sẽ không thể tiếp cận được các bài đăng", Nguyễn Hạnh, một người kinh doanh đồ ăn online, nói.

Hạnh cho biết cô có thể chi số tiền vài trăm nghìn đồng mỗi tháng nếu nền tảng giúp mình làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, việc đặt ra giới hạn khiến người kinh doanh online lo lắng vì quá trình hoạt động có thể bị gián đoạn. "Thử hình dung, nếu khách hàng lạ nhắn tin đến mà chúng tôi hết lượt phản hồi thì sẽ ra sao", cô đặt câu hỏi và cho biết sẽ mở rộng hoạt động ra các nền tảng khác để giảm phụ thuộc vào Zalo.

Ông Tuấn Hà, Chủ tịch Vinalink, đánh giá chủ trương thu phí của Zalo là có thể hiểu được. "Do có lượng người dùng hiện tại lớn, họ thu phí thì sẽ vẫn có những người chấp nhận sử dụng", ông nói. Tuy nhiên, theo ông, cách "bóp tính năng" của Zalo có nhiều điểm khiến người dùng cảm thấy không hài lòng.

Ví dụ, với gói thuê bao thấp nhất, người dùng phải chi khoảng một triệu đồng mỗi năm, nhưng không thêm được tính năng gì đặc biệt, trong khi một nhu cầu quan trọng là lưu danh bạ lại bị cắt còn một nửa so với trước đây. Nếu muốn sử dụng như trước ngày 1/8, người dùng sẽ phải mua gói Pro giá khoảng hai triệu đồng mỗi năm. "Nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện vô lý, không phải ai cũng sẽ chấp nhận số tiền này", ông Tuấn đánh giá.

Zalo thu phí ngược




Một số khác biệt của tài khoản Zalo miễn phí và tài khoản trả phí. Ảnh: Zalo


Tại Việt Nam, các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện là Zalo, Messenger, Viber, Telegram và Skype. Hầu hết dịch vụ nhắn tin quốc tế áp dụng chính sách miễn phí cho những tính năng cơ bản. Người dùng có thể trả tiền để mua thêm các tiện ích mới, chứ không bị cắt giảm tính năng có sẵn.

Ví dụ, Telegram giới thiệu tính năng Premium vào tháng 6 với giá 4,9 USD mỗi tháng, cho phép người dùng có thể gửi các tệp có dung lượng lên tới 4 GB và hỗ trợ tải xuống nhanh hơn. Tài khoản được nâng cấp cũng có thể theo dõi tối đa 1.000 kênh, tạo tối đa 20 thư mục trò chuyện với 200 cuộc trò chuyện mỗi kênh.

Trong thông báo gửi người dùng, Telegram cam kết mọi tính năng đang có của ứng dụng vẫn được miễn phí cho tất cả. Việc trả phí Premium được xem như cách để cộng đồng ủng hộ nhà phát triển.

Hai nền tảng phổ biến khác là Viber và Skype cũng không thu phí người dùng phổ thông, không quảng cáo trong ứng dụng. Ngoài chức năng cơ bản là nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua Internet, hai dịch vụ này triển khai thêm gói dịch vụ Viber Out và Skype Out.

Viber Out và Skype Out cho phép thực hiện các cuộc gọi trong và ngoài nước đến bất kỳ số điện thoại nào, không cần biết địa chỉ đó có đang dùng ứng dụng hay không. Người dùng cần nạp tiền mua gói cước theo số phút gọi. Ngoài ra, các nền tảng này còn bán những bộ sticker đặc biệt.

Một nền tảng nhắn tin phổ biến không kém Zalo tại Việt Nam là Messenger của Meta chưa có hoạt động tính phí.

Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Việt Nam lại kiếm tiền bằng cách ngược lại. Sau khi cung cấp cho người dùng một công cụ nhắn tin miễn phí, giờ họ lại thông báo tới những người đang có trên 1.000 bạn bè rằng "tính năng này chỉ dành cho tài khoản Business".

Theo ông Tuấn Hà, Zalo nên áp dụng chính sách tính phí để khắc phục một số vấn đề hiện tại của ứng dụng, thay vì "bóp tính năng". "Tài khoản miễn phí nên được giữ nguyên như cũ. Còn Zalo có thể cung cấp tùy chọn trả phí để lưu dữ liệu vĩnh viễn chẳng hạn. Nhiều người từng mất các đoạn chat, dữ liệu gửi qua Zalo nếu đổi máy. Do đó, họ sẽ khó chấp nhận nếu tình trạng này xảy ra ngay cả khi đã chi tiền", ông Tuấn nói.

Theo The Verge, phần lớn nền tảng OTT thu phí người dùng khi họ đạt đến một lượng người dùng đủ lớn. Tuy nhiên, những tiện ích được cho là "đặc biệt" để tính phí thực chất lại chủ yếu được phát triển từ tính năng có sẵn từ nền tảng, chứ không thật sự tạo được khác biệt.

Nguồn: VNExpress. net

27/07/2022

Tốc độ Internet đi quốc tế chập chờn do Cáp quang biển APG lại gặp sự cố chiều 26/7/2022 !

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG gặp lỗi dẫn đến việc Internet đi quốc tế qua tuyến cáp này hoạt động không ổn định. Các nhà mạng tại Việt Nam đang khẩn trương tiến hành khắc phục sự cố.




Thông tin được một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết chiều 26/7 đã xảy ra sự cố kỹ thuật của mạng cáp quang biển Asia Pacific Gate Way (APG), làm ảnh hưởng đến dung lượng truy cập Internet quốc tế.

Tại một số khu vực và một số thời điểm, các thuê bao Internet băng rộng và thuê bao di động có thể gặp khó khăn khi truy cập vào các trang web/ứng dụng quốc tế.

Sau khi phát hiện sự cố, nhà cung cấp dịch vụ Internet này đã nhanh chóng triển khai phương án nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng dịch vụ thông qua thực hiện định tuyến chuyển lưu lượng quốc tế sang hướng cáp khác, tối ưu các hệ thống kỹ thuật liên quan.



Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể thời gian khắc phục xong sự cố của tuyến cáp APG này.

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016.

Có chiều dài khoảng 10.400 km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng internet tại Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2021, tuyến cáp quang biển APG đã 4 lần gặp sự cố. Cũng vào ngày 15/4/2022, tuyến cáp APG này đã gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910km./.

Nguồn: Vietnamplus. vn